Một nền kinh tế đầy biến động, sự cạnh tranh trên thương trường ngày càng khốc liệt. Tồn tại và làm thế nào để tồn tại trong một môi trường kinh doanh đầy khắc nghiệt như hiện nay là một câu hỏi lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đã có không ít doanh nghiệp phá sản khi chính bản thân họ không tìm ra được hướng đi đúng đắn cho mình hay chí ít thì sản phẩm của họ không đủ “mạnh” để đứng vững và duy trì trên thị trường,...Và cũng không ít doanh nghiệp đã biết cách vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển. Vậy làm thế nào để đứng vững? Làm thế nào để duy trì và tồn tại? Đây được coi là bài toán kinh tế khó đối với các doanh nghiệp. Những chia sẽ dưới đây có thể là một câu trả lời trong số những câu trả lời cho bài toán kinh tế hiện nay.


Làm kinh doanh cũng giống như bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào khác, đều phải xem sức mạnh nội tại của doanh nghiệp làm cơ sở. Nội lực mạnh thì doanh nghiệp phát triển tốt, nội lực yếu kém thì doanh nghiệp không tránh khỏi chậm phát triển. Thực tế xu thế phát triển kinh tế hội nhập trong những năm gần đây đã đem đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội nhưng cũng lắm rủi ro, thách thức… Nội lực ở đây được hiểu là sức mạnh nội tại là những nhân tố bên trong doanh nghiệp cấu thành để thúc đẩy doanh nghiệp tồn tại và phát triển.


Hai trong số những yếu quan trọng để cấu thành nội lực mạnh đó chính là: Chiến lược phát triển và Chính sách nhân sự. Và để hiểu hết những yếu tố và vận dụng nó tạo nên một nội lực vững mạnh không phải là chuyện đơn giản. Đó không những là nỗi trăn trở của các nhà lãnh đạo mà còn là nỗi băn khoăn của những người cấp dưới muốn đóng góp chung cho sự phát triển của doanh nghiệp.


Xu hướng của các nhà doanh nghiệp hiện nay thường tập trung cho chất lượng sản phẩm, dịch vụ và những cải tiến không ngừng nhưng ít ai hiểu rằng một Chiến lược phát triển rõ ràng và cụ thể và Chính sách nhân sự đúng đắn là yếu tố không nhỏ để góp phần củng cố sức mạnh nội tại.

1. Chiến lược phát triển




Không thể tạo ra nội lực cần thiết nếu thiếu một chính sách dành cho đầu tư hợp lý, chống thất thu, gìn giữ môi trường, tránh lãng phí nguồn lực, tạo thu nhập phù hợp và ổn định cho đội ngũ công nhân viên. Tùy từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp mà lựa chọn chính sách, chiến lược phát triển cho phù hợp. Mỗi loại chiến lược có yêu cầu khác nhau về quan niệm tư tưởng, phương pháp làm việc và tri thức nghề nghiệp của người lãnh đạo việc thực hiện chiến lược. Hàng năm, trên cơ sở chiến lược phát triển đã được thông qua, từng bộ phận chức năng xây dựng kế hoạch kinh doanh cụ thể. Định kỳ kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chiến lược kinh doanh và có phân tích, đánh giá so với mục tiêu đã đề ra, trên cơ sở đó điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới.

Chiến lược phát triển được hiểu một cách đơn giản là một bản miêu tả về một ý định kinh doanh mà nhà lãnh đạo vạch ra trong tương lai. Nó cũng là một kế hoạch về việc nhà lãnh đạo muốn điều hành và phát triển ý định kinh doanh đó như thế nào? Để thành công, việc đầu tiên trước khi bắt đầu khởi sự một doanh nghiệp là phải lập một chiến lược hoàn chỉnh, từ khâu phát triển một ý tưởng kinh doanh, nghiên cứu thị trường (market research) và tính khả thi của ý tưởng đó, đến việc quản lý các hoạt động kinh doanh hàng ngày (day-to-day operation management) khi bắt tay vào thực hiện các ý tưởng kinh doanh đó. Một câu nói thường ngày của các nhà kinh tế và quản lý cũng như các chủ doanh nghiệp là: "If business fails to plan, it plans to fail" (Nếu doanh nghiệp thất bại trong việc lập kế hoạch, thì doanh nghiệp đã lập kế hoạch cho sự thất bại rồi đó). Câu nói này đã nói lên tất cả ý nghĩa của sự cần thiết phải lập chiến lược phát triển. Nếu như không có một chiến lược phát triển lâu dài, cho dù doanh nghiệp có những ý tưởng kinh doanh vĩ đại đến mức nào thì cũng rất khó thành công, thậm chí còn là thất bại nặng nề. Và khi doanh nghiệp có được một chiến lược phát triển lâu dài, một kế hoạch cụ thể thì chính doanh nghiệp đã củng cố thêm sức mạnh nội tại của mình.

Sự củng cố và khẳng định sức mạnh nội tại của doanh nghiệp thường đem lại hiệu quả khi các chủ sở hữu xác định rõ ràng: Chiến lược hôm nay phục vụ cho mục tiêu ngày mai chứ không phải dựa vào những giải pháp tạm thời ngắn hạn.

Phát huy nội lực còn xuất phát từ một động cơ quan trọng khác, đó chính là động lực phát triển. Vì sao các nhà lãnh đạo doanh nghiệp luôn tự hỏi rằng: Làm thế nào để duy trì và đảm bảo doanh nghiệp hoạt động bền vững? Làm thế nào để nuôi sống công nhân viên trong tình hình kinh tế vô cùng bất ổn như hiện nay? Chúng ta phải làm gì đây? Và còn rất nhiều câu hỏi khác nữa đã tạo nên động lực cho những nhà lãnh đạo có tâm có tầm và có tài thực sự.

Nếu không phải là tiền bạc, là tâm nguyện của chính bản thân những người chủ sở hữu thì không thể đem lại sự nỗ lực hết mình trong mọi tình huống và những diễn biến phức tạp của quá trình sản xuất, kinh doanh. Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra sự bất ổn trong chiến lược phát triển của các tập đoàn kinh tế xuất phát từ cái gốc chính là thiếu động lực phát triển. Đành rằng, những tập đoàn kinh tế mạnh đóng vai trò chủ đạo trong sự nghiệp phát triển chung là tất yếu song nếu không được bắt nguồn từ những quan điểm phát triển phù hợp với quy luật khách quan thì không thể góp phần cho sự phát triển chung của xã hội...Ngày nay trong nền kinh tế thị trường quyền tự chủ kinh doanh được trao cho các doanh nghiệp, các doanh nghiệp có điều kiện để phát huy sức sáng tạo, năng lực của mình để thoả mãn tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp phải tìm ra cho mình một hướng đi đúng phù hợp với yêu cầu thực tế và thích nghi được với sự biến đổi của thị trường. Yêu cầu đó đặt ra cho mỗi doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình để đạt hiệu quả cao nhất đồng thời có thể làm chủ trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình.

Chiến lược kinh doanh là một công cụ có thể biến những mục tiêu, dự định của doanh nghiệp trở thành hiện thực, hoặc điều chỉnh những hướng đi của doanh nghiệp phù hợp với môi trường kinh doanh đầy biến động. Việc tách ra khỏi môi trường kinh doanh là không thể. Để có được thế chủ động trong kinh doanh, chủ động trong sản xuất, nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, dự đoán và chớp được thời cơ kinh doanh trên thị trường chỉ trong thoáng chốc cũng đủ làm thay đổi số phận và vị thế của doanh nghiệp thì chiến lược phát triển sẽ phần nào đó hỗ trợ tích cực cho công ty thực hiện mục tiêu kinh doanh của mình.

Lớn lao hơn để có chiến lược tạo ra những thương hiệu quốc gia xứng tầm thế giới còn phụ thuộc rất nhiều vào những chính sách cụ thể để phát huy sức mạnh nội lực của doanh nghiệp trong công cuộc CNH - HĐH đất nước.

2. Chính sách nhân sự


Một doanh nghiệp không có những con người có tâm, có tầm sẽ giống như một người đi trong rừng mà không có la bàn, đi trên biển lớn mà không có hải đồ. Trong môi trường cạnh tranh ngày càng cao, nguồn nhân lực được coi là tài nguyên quan trọng quyết định sự thành bại của công ty. Cùng với sự lớn mạnh mở rộng không ngừng, doanh nghiệp cần chú trọng bồi dưỡng nhân sự giúp sự phát triển có tính kế thừa và liên tục.


Bên cạnh việc duy trì và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ thông qua các cơ chế đào tạo nâng cao, thuyên chuyển và thăng tiến nội bộ, doanh nghiệp cần chú trọng thực hiện tiếp nhận, thu hút những nhân viên có tay nghề cao, liên tục có những bước thay đổi nhân tố mới bên ngoài có năng lực và tố chất phù hợp văn hóa công ty. Ngày nay việc duy trì, phát triển va thu hút nhân viên được nâng tầm lên gọi là chiến lược phát triển nguồn nhân lực.


Để có được những nguồn lực con người tốt nhất, doanh nghiệp cần phải làm việc với nhiều đối tác cung cấp nguồn nhân lực cấp cao và đa dạng hóa nguồn tuyển dụng. Để bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nội bộ theo kịp sự phát triển của công ty.



Các nhà lãnh đạo nên tự đặt câu hỏi cho mình rằng: Làm thế nào để doanh nghiệp của mình trở thành một gia đình thứ hai nơi mà tất cả thành viên phấn đấu vì mục tiêu chung? Hãy nỗ lực tạo dựng một môi trường làm việc lý tưởng, khuyến khích nhân viên sáng tạo, đóng góp các ý tưởng cải tiến góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu suất làm việc. Các chính sách giữ người và thu hút nhân tài được cải tiến, ngày càng trở nên hấp dẫn hơn giúp cho doanh nghiệp luôn giữ được đội ngũ nhân sự và thu hút những nhân tố mới với chuyên môn giỏi.


Có thể nói rằng chính sách nhân sự quyết định sự cống hiến của những con người hoạt động trong doanh nghiệp. Một chính sách hợp lý: khen thưởng, thăng tiến, đào tạo rõ ràng, được hỗ trợ nguồn lực cần thiết, tạo điều kiện phát triển và phát huy tính sáng tạo và một tinh thấn làm việc đồng đội … là những yếu tố không thể thiếu trong môi trường làm việc của bất cứ một doanh nghiệp nào. Nếu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp “bỏ qua” những yếu tố đó thì tốt nhất đừng nên băn khoăn rằng không biết điều gì khiến những người tài trong công ty lần lượt rứt áo ra đi? Câu trả lời có thể đã nằm trong chính sách nhân sự mà họ đưa ra. Theo giới chuyên môn, những chính sách làm việc mà những ông chủ đưa ra không phù hợp là yếu tố cơ bản khiến ngày càng nhiều công nhân muốn tìm con đường khác cho riêng mình.

Bên cạnh việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhân sự đang có, doanh nghiệp cũng có kế hoạch thu hút nhân sự giỏi bên ngoài nhằm có được một lực lượng nguồn nhân lực theo kịp với sự phát triển, mở rộng của công ty trong tương lai. Kế hoạch thu hút nhân sự giỏi không đơn thuấn là công việc tuyển dụng người tài mà nó là cả một quá trình tìm kiếm, sàng lọc và duy trì nhân sự lâu dài. Kế hoạch này được thu nhỏ qua mô hình sau:



Sau khi tuyển đúng người và đào tạo họ, doanh nghiệp cần phải duy trì và quản lý họ. Đừng quá mãi lo lợi ích chung mà quên đi lợi ích của họ bởi chính lợi ích của họ giúp họ có động lực để tạo nên lợi ích chung của doanh nghiệp. Các nhân viên nhiệt huyết sẽ gắn bó, tận tụy với doanh nghiệp, có khả năng ở lại doanh nghiệp lâu hơn, làm việc năng suất hơn, và tham gia nhiều hơn vào sự thành công của doanh nghiệp.


Những chia sẻ trên đây của tôi là những gì tôi thấy được, học được và cảm nhận được trong suốt một năm làm việc tại VNACT. Hy vọng nó sẽ góp phần không nhỏ cho sự phát triển chung của tập đoàn ACT và VNACT nói riêng.



[回上層目錄]


除商業用途,歡迎轉載。
轉載時請勿更改、刪減、或增加任何文字;並請註明出處。
以上文字或圖片若有侵害到任何人的權益,請來信至dcc@act-ioi.com.tw。